Ngày Quốc tế về Di chỉ và Di tích 18/4 (Ảnh: www.icomos.org)
Ngày di sản thế giới ra đời nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vẻ đẹp phong phú và “dễ bị tổn thương” của những công trình văn hóa di sản quốc tế; đồng thời hướng sự quan tâm của nhân loại đến việc nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn di sản.
Hàng năm, ban thư ký Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế lựa chọn một chủ đề về di chỉ và di tích để nêu bật trên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia sẽ tổ chức thực hiện các sự kiện liên quan đến chủ đề này. Nhiều hoạt động và sự kiện thường diễn ra như hội thảo, triển lãm, trưng bày, hội thi, lễ kỷ niệm tuyên dương, các hoạt động giáo dục tại trường học, các chương trình phát thanh truyền hình đưa tin,..
Hơn bao giờ hết, chủ đề Ngày di sản năm nay
“Văn hóa chia sẻ, Di sản chung, Trách nhiệm chung” là một biểu hiện quan trọng về sự thống nhất toàn cầu, cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe của nhân loại đang diễn ra. Về cốt lõi, Chủ đề này liên quan đến mối quan hệ giữa các nền văn hóa, các nhóm văn hóa và trách nhiệm tập thể của các cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ các thuộc tính, ý nghĩa và giá trị quan trọng của di sản.
Trên thực tế, vấn đề “chia sẻ” về văn hóa, di sản luôn là vấn đề nhạy cảm, thường bị trói buộc bởi nhiều yếu tố đời sống xã hội và các quan điểm đối lập trong bảo tồn. Chính vì vậy, ICOMOS kêu gọi các bên tham gia ý kiến đa chiều về vấn đề này; nhìn nhận lại những tư tưởng và suy nghĩ truyền thống liên quan đến chia sẻ văn hóa, di sản; khuyến khích những đóng góp quan điểm mới thông qua thảo luận, đối thoại.
Tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo: việc tổ chức các hoạt động liên quan đến kỷ niệm ngày di sản thế giới cần tham khảo và tuân thủ các quy định an toàn của quốc gia và địa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Huế - Thành phố có 5 di sản thế giới (Ảnh: hongocanhtuan)